Nhãn hiệu liên kết là gì?
Đây là một loại nhãn hiệu mới được đưa vào pháp luật về nhãn hiệu của Việt Nam, trong Nghị định 06/2001/NĐ-CP. Pháp luật các nước trên thế giới có sự đề cập ở mức độ rất khác nhau. Pháp luật Hoa Kỳ không coi đây là một loại nhãn hiệu riêng biệt và cũng không quy định cho nó một thuật ngữ riêng. Trong pháp luật Nhật Bản có một khái niệm thường được coi là tương tự với NHLK, đó là khái niệm “defensive mark” hay còn gọi là “nhãn hiệu bảo vệ”.
Pháp luật Việt Nam quy định “nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu tương tự với nhau do cùng một chủ thể đăng ký để dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, tương tự với nhau hoặc có liên quan tới nhau, và các nhãn hiệu trùng nhau do cùng một chủ thể đăng ký để dùng cho các sản phẩm, dịch vụ tương tự với nhau hoặc có liên quan tới nhau
Luật SHTT 2005 (sửa đổi 2009) cũng quy định: “Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau
Theo định nghĩa này, có hai loại NHLK. Loại thứ nhất là NHLK bao gồm một loạt các nhãn hiệu tương tự nhau được một chủ sở hữu đăng ký dùng cho các hàng hóa, dịch vụ cùng loại hay tương tự nhau (ví dụ nhãn hiệu LIOA của công ty Nhật Linh được coi là nhãn hiệu chính và để bảo vệ nhãn hiệu đó công ty đã đăng ký bảo hộ cho nhiều nhãn hiệu tương tự như LEEOA, LIWA, LYWA, LYOA
Loại thứ hai là NHLK bao gồm các nhãn hiệu giống hệt nhau nhưng đăng ký cho nhiều sản phẩm, dịch vụ tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau, ví dụ nhãn hiệu SONY có thể được đăng ký cho máy chơi nhạc, tai nghe hoặc điện thoại di động. Mục đích của loại NHLK này là cho phép chủ nhãn hiệu có thể độc quyền sử dụng một loại nhãn hiệu mà không sợ bị sao chép hay bắt chước của người khác. Đối với một NHNT, điều này rất có ý nghĩa bởi người thứ ba có thể lợi dụng sự quá quen thuộc và tin tưởng của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu để gắn các nhãn hiệu tương tự hoặc gần giống cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại hay khác loại hoặc để gắn nhãn hiệu giống hệt lên các sản phẩm, dịch vụ không cùng loại. Đối với những nhãn hiệu rất nổi tiếng, chỉ cần sự sao chép không giống lắm thôi cũng đã có thể gây ra sự nhầm lẫn trong người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn tới giá trị của nó.
Pháp luật Nhật Bản khác với pháp luật Việt Nam ở chỗ quy định về nhãn hiệu bảo vệ (NHBV) như là một công cụ để bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Theo đó chủ sở hữu một nhãn hiệu có thể đăng ký các NHBV giống hệt với nhãn hiệu đã đăng ký của mình khi nhãn hiệu đã đăng ký trở nên nổi tiếng đối với người tiêu dùng và vì thế người khác không thể sử dụng nhãn tương tự cho các hàng hóa, dịch vụ không cùng loại và qua đó gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nhãn hiệu đã đăng ký
Những so sánh trên đây cho thấy, quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về nhãn hiệu đang có sự tương thích và mức độ ưu việt khá cao so với pháp luật của Hoa Kỳ và Nhật Bản, đặc biệt là về phạm vi các dấu hiệu có thể sử dụng làm nhãn hiệu và về các loại nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ. Vấn đề còn nằm ở chỗ trình độ phát triển của nền kinh tế chưa cho phép hoạt động thực tiễn về vấn đề này diễn ra ở mức độ phong phú tương ứng. Vì vậy, trong tương lai Việt Nam cần chú trọng tới công tác cụ thể hoá và bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này để hệ thống pháp luật về nhãn hiệu nói chung và các loại nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ nói riêng thực sự phát huy tác dụng, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giới thiệu pháp luật NHHH, Cục SHCN Nhật Bản-Trung tâm SHCN Châu Á-TBD (JIII) 2001
2. Đạo luật Lanham của Hoa Kỳ
3. Luật Nhãn hiệu năm 1959 (2015) của Nhật Bản.
4. Luật SHTT 2005 (sửa đổi 2009) của Việt Nam
5. Nghị định 63-CP ngày 24/10/1996
6. Nghị định 06/2001/NĐ-CP ngày 1/2/2001
7. Quyết định TTAB (1990) Cục Đăng ký bảo hộ NHHH và sáng chế Hoa Kỳ
8. Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007
9. Viện nghiên cứu và đào tạo về quản lý, “99 câu hỏi về nhãn Hàng hóa và NHHH” NXB Lao động 2001