Quy định cùa pháp luật Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam về các yếu tố có thể cấu thành nhãn hiệu

Quy định cùa pháp luật Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam về các yếu tố có thể cấu thành nhãn hiệu

Quy định cùa pháp luật Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam về các yếu tố có thể cấu thành nhãn hiệu

Nếu xét ở nghĩa rộng nhất của khái niệm nhãn hiệu, tức là dựa vào chức năng phân biệt nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ của nó, nhãn hiệu có thể được tạo thành bởi rất nhiều loại yếu tố khác nhau, bao gồm:

- Các từ ngữ, chữ cái và chữ số, ví dụ một hay nhiều từ ngữ, chữ cái, một hay nhiều số hay sự kết hợp giữa chúng. Đây cũng là một dạng nhãn hiệu phổ biến. Tuy nhiên, không phải bất kỳ chữ cái hay chữ số nào cũng có thể đăng ký làm nhãn hiệu. Đặc biệt là các chữ cái đứng đơn lẻ và không được cách điệu thì thường bị đa số pháp luật các nước và pháp luật quốc tế coi là không có tính phân biệt và vì thế không có khả năng đăng ký nhãn hiệu. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng thì không được đăng ký làm nhãn hiệu, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu.

Luật về Nhãn hiệu của Hoa Kỳ, với một cách tiếp cận luôn luôn mở, không đề cập gì đến điều kiện về sự kết hợp có thể phát âm được hay với những số lượng chữ cái, chữ số tối thiểu để một nhãn chữ cái hoặc chữ số có thể được đăng ký như một nhãn hiệu. Pháp luật Nhật Bản lại không quy định một cách cứng nhắc buộc việc kết hợp các chữ cái phải theo một thứ tự có thể phát âm được. Các nhãn chỉ gồm chữ cái và chữ số, nếu chỉ có một chữ cái hoặc chữ số thì sẽ bị coi là quá đơn giản và theo đó không được đăng ký. Ngoài ra, một quy định khá đặc biệt nữa là nếu hai chữ cái alphabet được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-) thì sẽ bị coi là quá đơn giản không được đăng ký trong khi nếu nối với nhau bằng dấu “&” thì lại được coi là có tính phân biệt và có khả năng đăng ký

- Hình vẽ: Bao gồm các hình vẽ trang trí, các nét vẽ, biểu tượng hoặc hình họa hai chiều của hàng hóa hay bao bì. Hầu hết pháp luật các quốc gia đều công nhận các hình vẽ, biểu tượng có tính phân biệt và có khả năng đăng ký bảo hộ cao. Tuy nhiên, ngoại trừ pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Nhật Bản, Việt Nam đều không công nhận đăng ký nhãn hiệu cho các dấu hiệu hình học hai chiều đơn giản ví dụ hình tam giác ngược hoặc xuôi, hình vuông, hình tròn, hình bình hành, hình quả tim, nguyệt quế… Các hình học cơ bản này muốn được đăng ký làm nhãn hiệu thường phải được trình bày một cách cách điệu để tạo thành sự khác biệt giống như trường hợp chữ “S” có nhiều nét lồng vào nhau làm nhãn hiệu dòng xe SEAT của Tây Ban Nha.

- Các dấu hiệu màu sắc: Loại này bao gồm các từ ngữ, hình vẽ và bất kỳ sự kết hợp nào giữa chúng có màu sắc hoặc sự kết hợp màu sắc hoặc bản thân màu sắc. Việc sử dụng các chữ cái, hình họa với màu sắc hoặc kết hợp với màu sắc nói chung thường làm tăng thêm tính phân biệt của chúng. Vì thế, các đơn đăng ký đối với những dấu hiệu trong đó có nói rõ màu sắc dùng hay mô tả trong đơn thường dễ được đăng ký hơn.

- Các dấu hiệu và hình ảnh ba chiều: Đây là một loại nhãn hiệu mới đang được các doanh nghiệp ngày càng ưa chuộng. Các dấu hiệu và hình ảnh ba chiều thường tạo ra hình ảnh rất mạnh, dễ tác động và in sâu vào tâm trí người tiêu dùng vì thế chúng có khả năng phân biệt rất cao (ví dụ: ngôi sao ba cánh nổi nằm trong vòng tròn của xe Mercedes, hình con sư tử đứng hai chân nổi của xe Peugeot, hình con ngựa bay đúc nguyên khối của xe Roll-Royce).

- Các dấu hiệu thính giác (nhãn hiệu âm thanh) và các dấu hiệu khứu giác (nhãn hiệu mùi): Đây là hai loại nhãn hiệu mới phát triển trong thời gian gần đây do nhu cầu phát triển đa dạng của nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại hàng hóa. Các doanh nghiệp năng động phát hiện ra rằng âm thanh cũng có khả năng làm cho người tiêu dùng nhận biết được hàng hóa mà mình cần dùng hay giúp người tiêu dùng phân biệt được nguồn gốc sản xuất khác nhau của hàng hóa cùng loại, ngay cả khi người tiêu dùng chưa nhìn thấy hàng hóa. Đối với nhãn hiệu khứu giác (nhãn hiệu mùi) chưa có sự phát triển mạnh mẽ như nhãn hiệu âm thanh. Một trong những lý do của thực tiễn này là vì, không giống như nhãn âm thanh hay nhãn ba chiều, việc mô tả các mùi là hết sức khó khăn, đặc biệt là các mùi tự tạo không có trong thiên nhiên. Một lý do nữa là trong việc giúp người tiêu dùng phân biệt và nhận ra sản phẩm quen dùng, các mùi không có hiệu quả cao như hình ảnh hoặc âm thanh. Vì thế cho đến nay vẫn chỉ mới có một số mùi nhất định đăng ký cho một số hàng hóa đặc thù nhất định. Đó là những mùi đặc trưng (hay còn gọi là mùi cơ bản) mà không cần mô tả ai cũng có thể biết và nhận ra chúng, ví dụ mùi vanila đăng ký cho một số loại bánh kẹo hay hương liệu, mùi hoa Plimeria đăng ký cho chỉ may và sợi thêu.

- Những dấu hiệu khác (không nhìn thấy được): Ví dụ những dấu hiệu loại này được nhận biết qua xúc giác thường dành để gắn lên những loại hàng hóa giúp cho người khiếm thị nhận biết được hàng hóa mình cần chọn. Về bản chất, lý thuyết về những dấu hiệu khác không nhìn thấy được có khả năng đăng ký làm nhãn hiệu được phát triển trên cơ sở “tính mở” của khái niệm nhãn hiệu như quy định của Hoa Kỳ. Về nguyên tắc, bất kỳ dấu hiệu nào có thể phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác đều có thể được coi là nhãn hiệu. Có thể có những nhân tố mà ngày nay chúng ta chưa xác định được nhưng trong tương lai, với sự ra đời và phát triển của của các môi trường mới như internet, thực tại ảo (Virtual Reality), chúng có thể thỏa mãn chức năng phân biệt của một nhãn hiệu.

Qua quy định của pháp luật Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam về khái niệm nhãn hiệu, có thể thấy Hoa Kỳ và Việt Nam có quy định cởi mở nhất. Về mặt pháp lý, tất cả các dấu hiệu trên đây đều có thể được đăng ký nhãn hiệu ở hai quốc gia này. Điểm khác biệt có lẽ nằm ở thực tiễn thi hành pháp luật về nhãn hiệu. Trong khi thực tiễn này ở Việt Nam còn tương đối nghèo nàn thì thực tiễn ở Hoa Kỳ đã rất phong phú. Nền kinh tế lớn nhất và phát triển sôi động nhất trên thế giới đã thúc đẩy các nhà sản xuất, các doanh nghiệp tận dụng triệt để lợi thế từ các quy định về bảo hộ nhãn hiệu. Các loại nhãn hiệu mới nhất như nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi đều đã được đăng ký bảo hộ ở Hoa Kỳ. Nhà sản xuất và bán lẻ kem hàng đầu thế giới Wall của Hoa Kỳ đã đăng ký giai điệu âm nhạc đặc trưng trên các xe bán kem lưu động làm nhãn hiệu âm thanh độc đáo cho sản phẩm kem của mình. Sự ra đời của Internet và thương mại điện tử càng làm cho môi trường kinh doanh trở nên đa dạng và nhãn hiệu âm thanh phát huy được vai trò của mình một cách tích cực hơn.Ví dụ nhà sản xuất hoặc phân phối có thể “nhắc nhở” khách hàng mua sản phẩm của mình khi người này đang duyệt các trang web bán các sản phẩm cùng loại bằng một tín hiệu âm thanh đặc trưng cho sản phẩm của mình. Ở Hoa Kỳ hiện có hai dạng nhãn âm thanh thường được sử dụng. Đó là những nốt nhạc hoặc tiết tấu nhạc ngắn được sáng tác (ví dụ các âm thanh của chương trình Windows) hoặc các âm thanh trong tự nhiên (ví dụ tiếng gầm của loài thú hay hay tiếng rì rào của biển cả). Hiện tại đã có hàng trăm nhãn hiệu âm thanh khác nhau được đăng ký tại Cục Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ, từ dịch vụ giải trí đa phương tiện đến chương trình máy tính và kinh doanh nhà hàng… Cũng giống như nhãn hiệu ba chiều, để được đăng ký bảo hộ thì nhãn hiệu âm thanh phải được thể hiện thành các nốt nhạc và tiết tấu nhạc trên giấy. Và do đó, trên thực tế cái cần bảo hộ là giai điệu nhạc gắn lên hàng hóa, dịch vụ trong khi đó cái được bảo hộ lại là những nốt nhạc và tiết tấu nhạc mà người nộp đơn thể hiện trên giấy. Nhãn hiệu mùi hương cũng đã được sử dụng, ví dụ mùi hoa cỏ tươi tái hiện mùi hoa Plimeria đã được đăng ký cho mặt hàng chỉ may và sợi thêu

So với pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam, pháp luật Nhật Bản với cách tiếp cận truyền thống hiện chưa tính đến các yếu tố mùi và âm thanh trong cấu thành nhãn hiệu và do đó loại bỏ các nhãn hiệu âm thanh và mùi ra khỏi thực tiễn đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu của mình

  • TAG :