Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?
Đây là một loại nhãn hiệu được xác định dựa trên cơ sở tính phổ thông của chúng, được nhiều người tin dùng và có tính phân biệt cao. Nhiều nhãn hiệu đối với người tiêu dùng ngoài giá trị phân biệt nguồn gốc thương mại còn là sự bảo đảm đối với chất lượng của sản phẩm mang nhãn. Vì thế tình trạng sao chép và vi phạm quyền đối với NHNT diễn ra khắp nơi trên thế giới và đặt ra nhu cầu bảo hộ loại nhãn hiệu này theo một cách thức đặc biệt hơn nhãn hiệu thông thường. Hầu hết các hệ thống pháp luật đề cập ở đây đều có quy định về NHNT dù là ở các mức độ khác nhau.
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, việc bảo hộ NHNT sẽ được tiến hành khi có các hành vi bị xem là sự bắt chước không hợp pháp, chỉ dẫn sai nguồn gốc thương mại dẫn đến làm giảm giá trị của một nhãn hiệu nào đó. Trong trường hợp này, chủ NHNT có quyền yêu cầu tòa ra lệnh cấm việc sử dụng vì mục đích thương mại của một người khác đối với nhãn hiệu hay tên thương mại nổi tiếng của mình nếu hành vi sử dụng diễn ra khi nhãn hiệu hay tên thương mại của mình đã trở nên nổi tiếng và gây hại đến sự nổi tiếng của nhãn hiệu. Để quyết định một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không, tòa án sẽ xem xét các yếu tố sau:
- Mức độ của tính phân biệt mà tự thân nhãn hiệu có;
- Thời gian sử dụng và mức độ sử dụng nhãn hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ gắn nhãn;
- Thời gian và mức độ quảng cáo và đưa ra công chúng nhãn hiệu đó;
- Phạm vi địa lý của khu vực thương mại liên quan đến nhãn hiệu;
- Các kênh thương mại hàng hóa, dịch vụ có gắn nhãn;
- Mức độ nhận ra nhãn hiệu đó tại các khu vực và kênh thương mại có sự tham gia của người chủ nhãn hiệu và người mà chủ nhãn hiệu kiện;
- Bản chất và mức độ sử dụng các nhãn hiệu trùng hay tương tự bởi bên thứ ba và;
- Nhãn hiệu đó đã được đăng ký theo các luật có liên quan của Hoa Kỳ chưa
Khi dựa vào các căn cứ trên, tòa án xác định được một nhãn hiệu nào đó là NHNT thì người chủ có quyền yêu cầu tòa án chấm dứt hành vi xâm hại của người khác đối với nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, nếu một trong ba trường hợp sau xảy ra thì quyền đó của chủ NHNT sẽ không được bảo vệ:
- Hành vi của người khác sử dụng một cách công bằng NHNT trong hoạt động quảng cáo hay quảng bá sản phẩm thương mại canh tranh nhằm chỉ rõ nguồn gốc thương mại của các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh với sản phẩm của NHNT; hoặc
- Hành vi sử dụng NHNT không vì mục đích thương mại; hoặc
- Các hình thức báo cáo tin tức hay bình luận tin tức.
Pháp luật Hoa Kỳ cũng định nghĩa thế nào là giảm giá trị của NHNT. Điều đó có nghĩa là làm giảm khả năng của một NHNT trong việc xác định và phân biệt hàng hóa, dịch vụ, không lệ thuộc vào việc tồn tại hay không tồn tại các yếu tố sau: (1) sự cạnh tranh giữa chủ NHNT và người khác; hay (2) khả năng xảy ra sự nhầm lẫn hay lừa dối.
Khác với pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Nhật Bản không có các quy định thành văn về các tiêu chuẩn đánh giá một cách cụ thể mức độ nổi tiếng của một nhãn hiệu. Để đánh giá một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không, các cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản, trên thực tế, thường dựa vào các tiêu chí sau:
- Thời gian sử dụng nhãn hiệu, thời điểm bắt đầu sử dụng, phạm vi lãnh thổ sử dụng và phạm vi hàng hóa dịch vụ mang nhãn;
- Mức độ của hoạt động quảng cáo;
- Quy mô của công ty, tình trạng hoạt động, phạm vi kinh doanh và các vấn đề khác của công ty;
- Các kênh thương mại liên quan đến hàng hóa, phương thức sử dụng nhãn hiệu trên các sản phẩm mang nhãn
Việc bảo hộ NHNT theo pháp luật Việt Nam còn chưa thực sự cụ thể. Luật SHTT 2005 cũng đã đề cập tới NHNT nhưng mới dừng lại ở mức khái niệm và một số tiêu chí để nhằm thừa nhận Điều 6bis của Công ước Paris trong việc điều chỉnh NHNT, còn để điều chỉnh về mặt nội dung đối với loại nhãn hiệu này thì những quy định như vậy là chưa đủ cụ thể
Nghị định 06/2001/NĐ-CP
ngày 1/2/2001 của Chính phủ có quy định chi tiết hơn, song cũng chỉ dừng lại ở một định nghĩa chung chung về NHNT tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này. Theo đó, NHNT là nhãn hiệu được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu đó được biết đến một cách rộng rãi. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là Nghị định sửa đổi bổ sung này đã có một quy định khá linh hoạt về nguyên tắc xác định thẩm quyền quyết định nhãn hiệu nào là NHNT. Nguyên tắc đó được đề cập gián tiếp trong khoản 5 Điều 1: “Quyền SHCN đối với NHNT phát sinh trên cơ sở quyết định công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Về lời văn, quy định này không cho biết cơ quan nào chính xác là cơ quan có thẩm quyền, nhưng theo cách hiểu thông thường và trong bối cảnh đây là một văn bản pháp luật của Việt Nam thì phải hiểu cơ quan có thẩm quyền ở đây là cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Ở khía cạnh giải thích đó, đây là một quy định tiến bộ và phù hợp với Hiệp định TRIPs.