Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong Luật Công nghệ thông tin

Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong Luật Công nghệ thông tin

Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong Luật Công nghệ thông tin 
và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

Theo Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31.12.2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, bài nghiên cứu này phục vụ cho công tác soạn thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông và các dịch vụ trung gian khác liên quan đến bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan[1] trong môi trường kỹ thuật số và Internet.


1. Cơ sở pháp lý áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn việc truy nhập hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan:


Luật Công nghệ thông tin đặt ra quy định mang tính nguyên tắc về quản lý và sử dụng thông tin số[2], theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm việc truy nhập và sử dụng thuận lợi thông tin số. Tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng thông tin số vào mục đích chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số phải bảo đảm không vi phạm quy định về nội dung thông tin số và các quy định pháp luật khác có liên quan, được liệt kê về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi "xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật”[3]. Trích dẫn thông tin số, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nêu rõ nguồn của thông tin đó, không được trích dẫn nội dung thông tin số của tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp chủ sở hữu thông tin số đã có cảnh báo hoặc pháp luật quy định việc trích dẫn thông tin là không được phép.[4]


Luật Công nghệ thông tin cũng quy định ngoại lệ về truyền đưa thông tin số của tổ chức cá nhân khác mà không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được lữu trữ tự động, trung gian, tạm thời do yêu cầu kỹ thuật nếu hoạt động lưu trữ tạm thời nhằm mục đích phục vụ cho việc truyền đưa thông tin và thông tin được lưu trữ trong khoảng thời gian đủ để thực hiện việc truyền đưa. Đồng thời, tổ chức, cá nhân truyền đưa thông tin số có trách nhiệm tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoại lệ này là phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ, kể cả trong trường hợp tạo ra bản sao tạm thời để phục vụ công tác truyền đưa thông tin do cá nhân, tổ chức thực hiện bằng các phương tiện, thiết bị của mình[5].


Tổ chức, cá nhân truyền đưa thông tin số của tổ chức, cá nhân khác không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó, trừ trường hợp thực hiện một trong các hành vi sau đây:


a) Chính mình bắt đầu việc truyền đưa thông tin;


b) Lựa chọn người nhận thông tin được truyền đưa;


c) Lựa chọn và sửa đổi nội dung thông tin được truyền đưa[6].


Luật Công nghệ thông tin cũng quy định về quyền lưu trữ tạm thời thông tin số của tổ chức cá nhân khác mà không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin số đó, trừ trường hợp:


a) Sửa đổi nội dung thông tin;


b) Không tuân thủ quy định về truy nhập hoặc cập nhật nội dung thông tin;


c) Thu thập dữ liệu bất hợp pháp thông qua việc lưu trữ thông tin tạm thời;


d) Tiết lộ bí mật thông tin[7].


Tổ chức, cá nhân cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số có trách nhiệm xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số để thiết lập trang thông tin điện tử và danh sách chủ sở hữu thông tin số được lưu trữ bởi tổ chức, cá nhân đó, tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin sốhoặc loại bỏ thông tin số trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngừng cho tổ chức, cá nhân khác thuê chỗ lưu trữ thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật, bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin[8].


Về công cụ tìm kiếm thông tin số, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ngừng cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác công cụ tìm kiếm đến các nguồn thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết thông tin đó là trái pháp luật.


Như vậy, cơ sở pháp lý cho hành động thông báo và triệt hạ nội dung thông tin số trái pháp luật đã quy định trong Luật Công nghệ thông tin và trách nhiệm này thuộc về nhà cung cấp dịch vụ trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động truyền đưa và lưu trữ thông tin số trên hệ thống mạng Internet chủ yếu được cá nhân chủ thể nắm giữ quyền và người sử dụng tìm ra. Vì vậy, cần phải có cơ chế pháp lý thuận lợi và hiệu quả dành cho các chủ thể này đưa ra các yêu cầu áp dụng nhanh chóng cơ chế thông báo và triệt hạ các nội dung thông tin số trái pháp luật vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan (kể cả việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời), để các nhà cung cấp dịch vụ "tự mình” áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin số hoặc loại bỏ thông tin số trái pháp luật, đồng thời cũng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể sở hữu, cung cấp, truyền đưa, lưu trữ thông tin số, tránh sự lạm dụng cơ chế này gây thiệt hại cho các chủ thể sở hữu, cung cấp, truyền đưa, lưu trữ thông tin số. Việc đưa ra các yêu cầu triệt hạ nội dung thông tin số mà không dựa trên cơ sở chứng cứ sở hữu hoặc nắm giữ quyền tác giả, quyền liên quan hợp pháp, gây thiệt hại cho các chủ thể sở hữu, cung cấp, truyền đưa, lưu trữ thông tin số sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật trên cơ sở lỗi của các bên có liên quan.


Vì cơ sở phát sinh trách nhiệm triệt hạ hay gỡ bỏ hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn sự tiếp cận với thông tin số trái pháp luật của nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông dựa trên quyền và khả năng thực tế của việc kiểm soát thông tin số trái pháp luật và việc hưởng lợi ích trực tiếp từ các hành vi xâm phạm từ các thuê bao sử dụng dịch vụ. Trách nhiệm này mang tích chất liên đới giữa hành vi tạo ra sự sẵn có của tác phẩm và các đối tượng của quyền liên quan trên mạng Internet, viễn thông do các thuê bao sử dụng dịch vụ thực hiện và sự tiếp tay cho hành vi phân phối, truyền đạt trái pháp luật các nội dung thông tin số được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua hệ thống mạng Internet, viễn thông do mình cung cấp. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông đóng vai trò như người phân phối, nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá sao chép lậu. Nếu, với ý thức chủ quan các nhà cung cấp dịch vụ này mà biết hoặc có cơ sở để biết là nội dung thông tin số do khách hàng hoặc người sử dụng dịch vụ đăng tải, tạo ra sự sẵn có của thông tin số đó trên hệ thống mạng dịch vụ do mình cung cấp xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho mọi người sử dụng khác có thể tải xuống các nội dung đó thì các nhà cung cấp dịch vụ này còn đóng vai trò là người bao che, đồng loã, xúi giục, thúc đẩy hành vi xâm phạm quyền. Do vậy, để được hưởng sự miễn trừ trách nhiệm pháp luật đối với hành vi phân phối không được phép từ phía các chủ thể nắm giữ quyền hợp pháp đối với các nội dung thông tin số được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thì nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông phải đáp ứng được các điều kiện sau:


-    Thứ nhất là các nhà cung cấp dịch vụ này không phải là các chủ thể khởi đầu, đóng vai trò là nguồn gốc của việc truyền đưa, lưu trữ thông tin số. Điều đó có nghĩa là trong hoạt động truyền đưa, lưu trữ thông tin số, nhà cung cấp dịch vụ này chỉ đóng vai trò trung chuyển, trung gian, không can thiệp vào nội dung thông tin số và không lựa chọn chủ thể nhận thông tin số đó. Tính chất trung gian, trung chuyển của nhà cung cấp dịch vụ này thể hiện ở chỗ việc truyền đưa thông tin số qua hệ thống mạng này diễn ra một cách tự động không có sự lựa chọn nội dung thông tin số.


-    Thứ hai là nhà cung cấp dịch vụ này phải cung cấp và công bố minh bạch hoá các tiêu chuẩn kỹ thuật độc lập đang được sử dụng để cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông, không có sự can thiệp vào việc truyền đưa, lưu trữ thông tin số.


-   Thứ ba là nhà cung cấp dịch vụ này phải thông qua và công bố công khai các chính sách và các biện pháp kỹ thuật cần thiết được sử dụng để ngăn chặn việc truy nhập thông tin số hoặc loại bỏ thông tin số trái pháp luật, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan áp dụng đối với các thuê bao, người sử dụng đầu cuối, v.v…


-   Cuối cùng là nhà cung cấp dịch vụ này không phải là các chủ thể đóng vai trò bao che, xúi giục, khuyến khích hay thúc đẩy việc truyền đưa, lưu trữ thông tin số trái pháp luật trong hệ thông mạng dịch vụ của mình. Điều này được hiểu là về mặt chủ quan, nhà cung cấp này không biết hoặc không có lý do để biết là hành vi truyền đưa, lưu trữ các nội dung thông tin số trong hệ thống mạng dịch vụ của mình của các thuê bao là trái pháp luật, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và không phải là chủ thể thu lợi cuối cùng từ hành vi xâm phạm đó.


Về thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng, luật quy định phải được người đó đồng ý trừ trường hợp ký kết hợp đồng, tính cước và thực hiện nghĩa vụ khác. Tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác có trách nhiệm thông báo về hình thức, phạm vi, địa điểm và mục đích thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân, chỉ được sử dụng đúng mục đích và lưu trữ có thời hạn theo quy định pháp luật hoặc theo thoả thuận, tiến hành các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá huỷ, kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin thông tin cá nhân theo yêu cầu của người đó. Việc cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định hoặc được sự đồng ý của người đó. Cá nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân[9].


Để tránh cho việc bị khởi kiện trực tiếp từ phía các chủ thể nắm giữ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ trung gian khác, thì các nhà cung cấp dịch vụ này phải được quyền cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng hoặc người sử dung đầu cuối cho các chủ thể nắm giữ quyền, để các chủ thể này có thể thực hiện các biện pháp thực thi để bảo vệ quyền của mình trực tiếp với khách hàng, người sử dụng đầu cuối có hành vi xâm phạm. Để việc cung cấp thông tin cá nhân này được thực hiện mà các nhà cung cấp dịch vụ này không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư[10] thì các nhà cung cấp dịch vụ này phải nêu rõ về việc cung cấp thông tin cá nhân cho chủ thể nắm giữ quyền trong hợp đồng cung cấp dịch vụ với khác hàng, người sử dụng đầu cuối trong trường hợp người này xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hoặc việc cung cấp thông tin cá nhân này được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc lệnh của Toà án trên cơ sở khởi kiện của chủ thể quyền.


2. Trách nhiệm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động công nghệ thông tin về công nghiệp nội dung sản xuất thông tin số:


Tổ chức, cá nhân có quyền lập trang thông tin điện tử[11] theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung và hoạt động trang thông tin điện tử đó[12]. Vì vậy, đối với các trang thông tin điện tử sản xuất nội dung thông tin số khi sử dụng các tác phẩm hoặc đối tượng của quyền liên quan, với tư cách là chủ thể trực tiếp sử dụng, thì  bắt buộc phải tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ bình đẳng như các chủ thể sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan khác.


Các hoạt động công nghệ thông tin trên phương diện quy mô công nghiệp được phân thành ba ngành chính gồm công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung. Trong đó, công nghiệp nội dung là công nghiệp sản xuất các sản phẩm thông tin số, bao gồm thông tin kinh tế - xã hội, thông tin khoa học - giáo dục, thông tin văn hóa - giải trí trên môi trường mạng và các sản phẩm tương tự khác[13].  Ngành công nghiệp nội dung tạo ra và cũng sử dụng rất nhiều các sản phẩm trí tuệ khác nhau, vì vậy hoạt động công nghệ thông tin trên phương diện này ngoài việc phải tuân thủ các quy định pháp luật về công nghệ thông tin còn phải thực hiện và tuân theo các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặt biệt là các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.


Luật Công nghệ thông tin cũng quy định việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định sau đây:


1. Tổ chức, cá nhân truyền đưa thông tin trên môi trường mạng có quyền tạo ra bản sao tạm thời một tác phẩm được bảo hộ do yêu cầu kỹ thuật của hoạt động truyền đưa thông tin và bản sao tạm thời được lưu trữ trong khoảng thời gian đủ để thực hiện việc truyền đưa thông tin;


2. Người sử dụng hợp pháp phần mềm được bảo hộ có quyền sao chép phần mềm đó để lưu trữ dự phòng và thay thế phần mềm bị phá hỏng mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền[14].


Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghệ thông tin được cụ thể hoá trong Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp thông tin, trong đó yêu cầu tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin phải đảm bảo các điều kiện và tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ[15].


Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp nội dung không được xâm phạm quyền lợi của người sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số bằng cách sao chép, tái sản xuất hoặc truyền đưa toàn bộ hay một phần nội dung của sản phẩm nhằm mục đích lợi nhuận trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số. Trường hợp sản phẩm nội dung thông tin số được bảo hộ của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì áp dụng các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ[16].


Như vậy việc sản xuất, khai thác và sử dụng các sản phẩm nội dung thông tin số chịu sự điều chỉnh đồng thời của Luật Công nghệ thông tin và Luật Sở hữu trí tuệ.


Điều này được tiếp tục khẳng định trong Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT ngày 29.6.2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28.8.2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến đối với các đối tượng là khách hàng, người sử dụng đầu cuối đối với hoạt động thiết lập, sử dụng trang thông tin điện tử bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau:


- Truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật.


- Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ luật Dân sự.


- Sử dụng, cung cấp thông tin vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật hiện hành.[17]


Đồng thời Thông tư này cũng đã cụ thể hoá thêm một bước về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ trung gian khác tại Điều 5 như sau:


"Điều 5. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet quy định tại Điều 7, Nghị định 97 liên quan đến trang thông tin điện tử


1. Từ chối cung cấp dịch vụ internet đối với các tổ chức, cá nhân thiết lập trang thông tin điện tử vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 4 Thông tư này khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet tự phát hiện nội dung thông tin vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 4 Thông tư này thì tạm ngừng cung cấp dịch vụ và báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước xử lý.


2. Ngăn chặn những trang thông tin điện tử vi phạm quy định tại Điều 4 Thông tư này khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


3. Cung cấp thông tin có liên quan tới trang thông tin điện tử vi phạm quy định tại Điều 4 Thông tư này khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”


Các vấn đề về trình tự, thủ tục cụ thể tạm dừng cung cấp dịch vụ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết được sử dụng để ngăn chặn việc truy nhập thông tin số hoặc loại bỏ thông tin số trái pháp luật, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan áp dụng đối với các khách hàng, thuê bao hoặc người sử dụng đầu cuối sẽ được liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện trong một thông tư liên tịch đang được nghiên cứu, soạn thảo và ban hành trong thời gian sớm nhất có thể. Với sự ra ban hành của Thông tư liên tịch này sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số, Internet và các hệ thông mạng viễn thông khác của các nhà cung cấp dịch vụ này, tạo ra cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các nhà cung cấp dịch vụ và các chủ thể nắm giữ quyền trong đấu tranh, phòng chống xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, hướng tới văn hoá thưởng thức và tiêu dùng nội dung thông tin số, công nghệ số hiện đại hợp pháp./.

 Ths. Quản Tuấn An, (COV)


 ------------

[1] Điểm a Mục 5 Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31.12.2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

[2] Thông tin số là thông tin được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số (Điều 4 Khoản 2 Luật Công nghệ thông tin)

[3] Điều 12 Luật Công nghệ thông tin

[4] Điều 15, Luật Công nghệ thông tin

[5] Điều 34, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP

[6] Điều 16, Luật Công nghệ thông tin

[7] Điều 17, Luật Công nghệ thông tin

[8] Điều 18 Luật Công nghệ thông tin

[9] Điều 21, 22 Luât Công nghệ thông tin

[10] Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2005 

[11] Trang thông tin điện tử (Website) là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin (Khoản 17, Điều 4 Luật Công nghệ thông tin) 
[12] Điều 23, Luật Công nghệ thông tin 
[13] Điều 47, Luật Công nghệ thông tin 
[14] Điều 69, Luật Công nghệ thông tin 
[15] Điều 15, Khoản 2 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP 

[16] Điều 17, Khoản 3, 4 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP 
[17] Khoản 3, 4 và 5 Điều 4 Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT ngày 29.6.2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28.8.2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet
  • TAG :