Hội thảo bản quyền







Hội thảo khu vực của WIPO về Cơ hội và thách thức trong việc thực thi Hiệp ước Bắc Kinh và Hiệp ước Marrakesh và Hội thảo của WIPO/SCAPR về Bảo hộ và quản lý quyền của người biểu diễn tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore từ ngày 11 – 13/02/2014










 

Ngày 11 tháng 02 năm 2014, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức quản lý tập thể quyền của người biểu diễn (SCAPR) tổ chức Hội thảo khu vực châu Á- Thái Bình Dương về Thời cơ và thách thức trong việc thực thi Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn (BTAP- Hiệp ước Bắc Kinh) và Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (MIVPT- Hiệp ước Marrakesh). Hội thảo các được tổ chức tại trụ sở Văn phòng WIPO tại Singapore với sự tham dự của các diễn giả đến từ Liên hiệp các tổ chức của người biểu diễn Châu Âu (AEPO- ARTIS) và 18 đại biểu đại diện các quốc gia trong khu vực gồm Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nê Pan, Philipines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của WIPO đã giới thiệu các điều ước quốc tế do WIPO quản lý quy định về quyền liên quan và đặc biệt tập trung phân tích Hiệp ước Bắc Kinh và Hiệp ước Marrakesh là hai hiệp ước mới được thông qua. Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn được thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2012 tại Hội nghị ngoại giao tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) gồm lời nói đầu và 30 điều. Đến nay đã có Botswana và Cộng hòa Syrian Arab chính thức gia nhập. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực sau khi có đủ 30 nước chính thức gia nhập. Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố được thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2013 tại Hội nghị ngoại giao Marakesh (Ma Rốc). Hiệp ước này có hiệu lực sau khi có đủ 20 nước gia nhập.

Các chuyên gia quốc tế cũng đã nêu ra những nội dung quan trọng và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng và thực thi hai Hiệp ước như: Vấn đề chuyển giao quyền (Điều 12), vấn đề bảo lưu và lựa chọn trong thực thi Hiệp ước Bắc Kinh; Đối với Hiệp ước Marrakesh thì vấn đề trao đổi qua biên giới và nhập khẩu các bản sao có thể tiếp cận là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia và các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các tình huống và đề xuất phương án lựa chọn tối ưu cho từng trường hợp.

Kết thúc buổi Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày báo cáo về những thuận lợi và thách thức trong quá trình thực thi Hiệp ước Bắc Kinh và Hiệp ước Marrakesh ở cấp độ quốc gia. Việt Nam hiện chưa gia nhập Hiệp ước Bắc Kinh và Hiệp ước Marrakesh, tuy nhiên thực tế nhiều quy định trong Luật sở hữu trí tuệ đã có nội dung tương thích với các quy định của hai Hiệp ước này. Việc nghiên cứu và đề xuất gia nhập Hiệp ước Bắc Kinh và Hiệp ước Marrakesh trong thời gian phù hợp là cần thiết. Đặc biệt, việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ bản quyền mà còn mở rộng cơ hội cho người khiếm thị và người không có khả năng đọc khác được tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ tiến bộ khoa học.

Tiếp đó, trong hai ngày 12 và 13 tháng 02 năm 2014 các đại biểu tiếp tục tham dự Hội thảo của WIPO/SCAPR về Bảo hộ và quản lý quyền của người biểu diễn tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các diễn giả đã giới thiệu khung pháp lý về quyền của người biểu diễn. Các điều ước quốc tế quy định trực tiếp về quyền của người biểu diễn gồm Công ước Rome, Hiệp ước WPPT, Hiệp định TRIPs và Hiệp ước Bắc Kinh. Các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia nhập các điều ước quốc tế và khái quát về thực trạng bảo hộ quyền của người biểu diễn tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Các đại biểu cũng được nghe diễn giả trình bày các chuyên đề về quản lý tập thể quyền của người biểu diễn gồm: Lựa chọn giữa cá nhân thực hiện quyền hay quản lý tập thể quyền; Lý do quản lý tập thể quyền của người biểu diễn; Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền; Mối quan hệ với chủ sở hữu quyền là người biểu diễn: Sự minh bạch, đáng tin cậy và chuyên nghiệp; Mối quan hệ với người sử dụng: Đàm phán và thu phí và Sự hợp tác với các tổ chức sở hữu quyền khác.

Một số đại biểu đã được mời để chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền của người biểu diễn tại quốc gia mình như Indonesia, Nê Pan, Philipines. Chuyên đề về các bước chuẩn bị cho việc bảo hộ quyền của người biểu diễn tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã trình bày báo cáo về hệ thống pháp luật và thực trạng quản lý quyền của người biểu diễn tại các quốc gia, đồng thời đề xuất các kế hoạch tiếp theo để nâng cao hiệu quả thực thi quản lý quyền của người biểu diễn tại các quốc gia mình.

Việt Nam có lực lượng nghệ sĩ biểu diễn đông đảo thuộc các đoàn nghệ thuật, các nhà hát của Nhà nước và các nghệ sĩ tự do. Các nghệ sĩ biểu diễn tùy theo lĩnh vực hoạt động có thể gia nhập các hiệp hội như Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Điện ảnh thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, các Hội này có tính chất hoạt động như các hội nghề nghiệp, hiện nay vẫn chưa có tổ chức quản lý tập thể quyền của người biểu diễn. Theo ý kiến của các nghệ sĩ biểu diễn trong thời gian gần đây việc thành lập một tổ chức quản lý tập thể quyền dành riêng cho người biều diễn sẽ góp phần củng cố vị thế của người biểu diễn trong các đàm phán về khai thác, sử dụng và trả thù lao cho việc sử dụng quyền của người biểu diễn ./.

Hoàng Hoa (COV)
  • TAG :