I. Đơn vị chủ trì, địa chỉ liên hệ 1. Đơn vị chủ trì: Cục Điều tiết điện lực - Người chỉ đạo: Ông Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng; Ông Nguyễn Vũ Quang - Phó Cục trưởng; Ông Bùi Quốc Hùng - TP. Quan hệ công chúng và Cấp phép. 2. Địa chỉ liên hệ - Bộ phận thực hiện: Phòng Quan hệ công chúng và Cấp phép (QHCP). - Liên hệ trực tiếp: Phòng 305, toàn nhà 11D, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. II. Cơ sở pháp lý - Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; - Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực (sau đây viết tắt là NĐ số 105/2005/NĐ-CP); - Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương (sau đây viết tắt là NĐ số 189/2007/NĐ-CP); - Quyết định số 153/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương (sau đây viết tắt là QĐ số 153/2008/QĐ-TTg); - Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng Giấy phép hoạt động điện lực (sau đây viết tắt là QĐ số 32/2006/QĐ-BCN); - Quyết định số 15/2008/QĐ-BCT ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (sau đây viết tắt là QĐ số 15/2008/QĐ-BCT); - Thông tư 124/2008/TT-BTC ngày 19 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép trong lĩnh vực điện lực (sau đây viết tắt là TT số 124/2008/TT-BTC); - Thông tư số 11/2008/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự, thủ tục mua bán điện với nước ngoài (sau đây viết tắt là TT số 11/2008/TT-BCT). II. Thông tin cần cung cấp 1. Điều kiện cấp phép Điều kiện chung Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực phải đáp ứng các điều kiện chung sau: a) Là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, gồm: - Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; - Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; - Hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; - Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật. b) Có hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực. c) Có năng lực tài chính để thực hiện các lĩnh vực hoạt động điện lực đề nghị cấp giấy phép. Điều kiện cấp phép đối với từng lĩnh vực Đối với các lĩnh vực, cụ thể như sau: - Các lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực được quy định tại các Điều 8, 9, 10 QĐ số 32/2006/QĐ-BCN và khoản 2 Điều 1 QĐ số 15/2008/QĐ-BCT. - Lĩnh vực phát điện được quy định chi tiết tại Điều 11 QĐ số 32/2006/QĐ-BCN và khoản 3 Điều 1 QĐ số 15/2008/QĐ-BCT. - Lĩnh vực truyền tải điện được quy định chi tiết tại Điều 12 QĐ số 32/2006/QĐ-BCN. - Lĩnh vực phân phối điện được quy định chi tiết tại các Điều 13 QĐ số 32/2006/QĐ-BCN. - Lĩnh vực xuất nhập khẩu điện được quy định chi tiết tại Điều 14 QĐ số 32/2006/QĐ-BCN và TT số 11/2008/TT-BCT. - Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ điện được quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 1 QĐ số 15/2008/QĐ-BCT. 2. Hồ sơ đề nghị cấp phép Hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực Đối với tổ chức hoạt động tư vấn quy hoạch điện lực, tư vấn đầu tư xây dựng điện và tư vấn giám sát thi công các công trình điện, hồ sơ bao gồm: a) Văn bản đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực. b) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc. c) Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chủ trì các lĩnh vực tư vấn chính, kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp và hợp đồng lao động đã ký với tổ chức tư vấn. d) Danh sách các dự án tương tự mà tổ chức tư vấn đã thực hiện hoặc các chuyên gia chính của tổ chức tư vấn đã chủ trì, tham gia thực hiện trong thời gian năm năm gần nhất. e) Danh mục trang thiết bị, phương tiện, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tư vấn do tổ chức đề nghị cấp phép. f) Báo cáo tài chính ba năm gần nhất (đối với tổ chức đang hoạt động). Hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động phát điện Giấy phép hoạt động phát điện được cấp thành 2 giai đoạn để thực hiện đầu tư xây dựng và phát điện thương mại toàn bộ nhà máy điện. Hồ sơ cho từng giai đoạn cụ thể như sau: 1. Hồ sơ đề nghị cấp phép để thực hiện đầu tư dự án nhà máy điện và vận hành thương mại từng tổ máy, bao gồm: a) Văn bản đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực. b) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc; c) Bản sao hợp lệ quyết định phê duyệt dự án đầu tư nhà máy điện được cấp có thẩm quyền duyệt kèm theo tài liệu dự án đầu tư nhà máy điện; d) Bản sao hợp lệ tài liệu kỹ thuật xác định công suất lắp đặt từng tổ máy, phương án đấu nối chính thức nhà máy điện vào hệ thống điện và chế độ vận hành nhà máy điện trong hệ thống điện; e) Bản sao hợp lệ giấy phép sử dụng tài nguyên nước (đối với nhà máy thuỷ điện). Bản sao hợp lệ giấy phép sử dụng tài nguyên nước và phương án cung cấp nhiên liệu (đối với nhà máy nhiệt điện); f) Bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư nhà máy điện và bản sao văn bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; g) Bản sao báo cáo tài chính năm gần nhất. 2. Hồ sơ đề nghị cấp phép để đưa toàn bộ nhà máy điện vào hoạt động thương mại, bao gồm: a) Danh mục các hạng mục công trình điện chính của nhà máy điện; b) Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý như giám đốc, phó giám đốc, người trực tiếp quản lý kỹ thuật, các chuyên gia chính cho quản lý và vận hành nhà máy điện kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp; c) Tài liệu về đào tạo và sử dụng lao động; d) Bản sao hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) đã ký; e) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đảm bảo đủ điều kiện hoạt động đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; f) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho dự án phát điện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; g) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp; h) Quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (đối với các nhà máy thuỷ điện); i) Bản sao văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng đấu nối; j) Quy trình phối hợp vận hành nhà máy điện với Đơn vị Điều độ hệ thống điện; k) Bản sao biên bản nghiệm thu từng phần các hạng mục công trình điện chính của dự án phát điện, biên bản nghiệm thu chạy thử không tải và có tải từng tổ máy, biên bản nghiệm thu toàn phần liên động có tải từng tổ máy. 3. Sau khi hoàn thành xây dựng toàn bộ nhà máy điện, đơn vị điện lực đã được cấp giấy phép hoạt động phát điện phải bổ sung bản sao biên bản nghiệm thu toàn bộ công trình nhà máy điện. Hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động truyền tải điện, phân phối điện và xuất nhập khẩu điện Hồ sơ bao gồm: a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. b) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc. c) Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý như giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, người trực tiếp quản lý kỹ thuật, các chuyên gia chính cho quản lý và vận hành lưới điện truyền tải, phân phối kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp. d) Tài liệu về năng lực truyền tải điện, phân phối điện, cấp điện áp và địa bàn hoạt động. e) Tài liệu về đào tạo và sử dụng lao động. f) Danh mục các hạng mục công trình điện chính do tổ chức đang quản lý vận hành hoặc chuẩn bị tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền. g) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đảm bảo đủ điều kiện đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. h) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền cấp. i) Bản sao báo cáo tài chính năm gần nhất trước khi nộp đơn đăng ký cấp giấy phép (đối với tổ chức đang hoạt động). j) Bản sao hợp đồng xuất nhập khẩu điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (đối với hoạt động xuất nhập khẩu điện). k) Đối với đơn vị hoạt động phân phối điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống, trong hồ sơ phải có thêm các nội dung sau: - Bản sao hợp đồng mua điện; - Bản sao thoả thuận hoặc hợp đồng đấu nối; - Bản đồ ranh giới lưới điện và phạm vi hoạt động phân phối điện. Hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bán buôn, bán lẻ điện Hồ sơ bao gồm: a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. b) Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc. c) Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý như giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, người trực tiếp quản lý kỹ thuật kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp. d) Cấp điện áp và địa bàn hoạt động. e) Báo cáo tài chính năm gần nhất (đối với tổ chức đang hoạt động). 4. Thời hạn của giấy phép a) Giấy phép hoạt động phát điện: không quá 50 năm. b) Giấy phép hoạt động truyền tải điện: không quá 30 năm. c) Giấy phép hoạt động phân phối điện: không quá 20 năm. d) Giấy phép hoạt động bán buôn điện và bán lẻ điện: không quá 10 năm. e) Giấy phép hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực: không quá 10 năm. f) Giấy phép xuất nhập khẩu điện: không quá 15 năm. 5. Thẩm quyền cấp phép Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực được quy định tại khoản 7 Điều 1 QĐ số 15/2008/QĐ-BCT, cụ thể như sau: Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các lĩnh vực sau: a) Hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh nằm trong danh mục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; b) Hoạt động truyền tải điện; c) Hoạt động xuất nhập khẩu điện; Cục Điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các lĩnh vực sau: a) Hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện có quy mô từ 3MW trở lên và không thuộc trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Công Thương. b) Hoạt động bán buôn điện; c) Hoạt động phân phối điện; d) Hoạt động bán lẻ điện; e) Tư vấn chuyên ngành điện lực, bao gồm các lĩnh vực sau: - Tư vấn lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực địa phương và quy hoạch bậc thang thuỷ điện các dòng sông; - Tư vấn đầu tư xây dựng nhà máy điện, tư vấn đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp; - Tư vấn giám sát thi công các công trình nhà máy điện, các công trình đường dây và trạm biến áp. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Sở Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các lĩnh vực sau: a) Hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện có quy mô công suất dưới 3 MW đặt tại địa phương; b) Tư vấn đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 35kV trở xuống, đăng ký kinh doanh tại địa phương; c) Tư vấn giám sát thi công các công trình đường dây và trạm biến áp từ 35kV trở xuống, đăng ký kinh doanh tại địa phương; d) Hoạt động phân phối điện nông thôn tại địa phương; e) Bán lẻ điện nông thôn tại địa phương. 6. Phí và Lệ phí cấp phép Thực hiện theo Thông tư số 124/2008/TT-BTC. III. Quy trình cấp phép hoạt động điện lực |