Sửa đổi lại quy định tại Khoản 20 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ về định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng
Theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, một nhãn hiệu sẽ được coi là nổi tiếng, nếu nhãn hiệu đó “được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.
Nhưng trên thực tế có nhiều nhãn hiệu có phạm vi sử dụng khá hạn chế trong một nhóm người tiêu dùng nhất định như các nhãn hiệu về dược phẩm, thiết bị văn phòng, thiết bị công nghiệp đặc thù...
Do đó, sẽ hợp lý hơn nếu trong trường hợp này, việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng hay không, được thực hiện trong phạm vi những người tiêu dùng nhất định có liên quan, hay gắn bó trực tiếp với quá trình phân phối hay sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu, mà không mở rộng phạm vi toàn thể nhóm khác không liên quan.
Pháp luật cần làm rõ về nội hàm của việc “biết đến” như thế nào thì nhãn hiệu đó trở nên nổi tiếng. Theo chúng tôi cần có sự quy định về việc “biết đến” và việc “biết đến” đó phải là sự biết đến thực tiễn trong quá trình tiếp cận và sử dụng sản phẩm hay dịch vụ. Như vậy, Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sẽ sửa đổi thành: “NHNT là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi bởi bộ phận người tiêu dùng liên quan trong quá trình kinh doanh sản phẩm/dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam”.