Nhãn hiệu nổi tiếng và xác định về hình thức

Nhãn hiệu nổi tiếng và xác định về hình thức

Thực trạng việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng xét về mặt trình tự, thủ tục

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì căn cứ, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên cơ sở của quá trình sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứ không theo cơ sở đăng ký như các nhãn hiệu thông thường. Pháp luật quy định về thủ tục xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Cục Sở hữu trí tuệ bao gồm các tài liệu chứng minh:

- Quyền sở hữu nhãn hiệu

- Chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu.

Cũng theo quy định của pháp luật Việt Nam có 2 con đường nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận đó là: Được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự (Tòa án) hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ. Khi được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng và được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một NHNT nào được công nhận tại Việt Nam theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ chưa có một Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam như quy định trong Luật.

Như vậy với việc chưa có một Danh mục về NHNT tại Cục Sở hữu trí tuệ, cũng như  pháp luật không quy định rõ về trình tự thủ tục để xác định NHNT, chỉ đưa ra những yêu cầu với bên muốn được xác định, thì vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để ghi nhận được một nhãn hiệu nổi tiếng? Thực tế trước khi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được ban hành, đã có một số đơn yêu cầu công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng cũng chưa nhận được trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ. Cho đến nay, việc công nhận NHNT chỉ được thực hiện theo từng vụ việc, một cách gián tiếp, ví dụ như khi có yêu cầu phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu hay huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu dựa trên cơ sở một NHNT.

Thứ nữa là về thẩm quyền trong việc xác định, công nhận NHNT. Trong khi hiện nay chúng ta vẫn đang thừa nhận 2 cơ quan (Tòa án, Cục Sở hữu trí tuệ) có thẩm quyền trong việc giải quyết, công nhận nhãn hiệu nổi tiêng, nhưng không thấy quy định nào về trách nhiệm hay sự phân công, phối hợp giữa hai cơ quan, cũng như nguyên tắc trong việc giải quyết, công nhận NHNT của hai cơ quan đó. Thậm chí việc quy định công nhận NHNT theo thủ tục tố tụng dân sự hiện nay như thế nào, pháp luật cũng không quy định rõ.

Ví dụ vụ kiện “Interbrand”

Xem xét vụ kiện trên ta thấy được vai trò quan trọng của Tòa án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; thấy được sự phối hợp giải quyết giữa Tòa án và các cơ quan khác nhau, trong đó có Cục Sở hữu trí tuệ, là cơ quan có thẩm quyền trong việc xác minh và công nhận sự nổi tiếng của nhãn hiệu. Sự phối hợp thể hiện ở việc Tòa ký công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ để xác minh “độ” nổi tiếng của nhãn hiệu “interband”. Tuy nhiên trong trường hợp này thì Cục không có chức năng xác minh “độ” nổi tiếng của nhãn hiệu. Cục chỉ có thẩm quyền công nhận NHNT trên cơ sở xem xét hồ sơ của các bên gửi yêu cầu xác minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu. Do đó, việc nhận yêu cầu này từ Tòa, là Cục đã sai về nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị mình.

Về phía Tòa nếu nhãn hiệu Interbrand tuyên bố họ là nhãn hiệu nổi tiếng, yêu cầu Tòa bảo vệ lợi ích cho mình, thì Tòa phải tự xem xét đánh giá và công nhận nhãn hiệu này, không thể gửi công văn yêu cầu Cục đánh giá được. Nếu trong trường hợp Tòa cảm thấy không ổn về mức độ đánh giá về một tiêu chí nào đó của nhãn hiệu thì Tòa có thể nhờ đến hệ thống giám định, hoặc lấy ý kiến chuyên gia. Và Tòa phải sử dụng hệ thống này chứ không thể chuyển giao sự xác minh đó cho cơ quan quản lý là Cục Sở hữu trí tuệ. Cục không đóng vai trò là cơ quan giám định cho Tòa trong trường hợp này. Tóm lại, qua phân tích trên cho thấy rằng, vai trò của Tòa án trong các vụ kiện liên quan đến xác định NHNT còn rất hạn chế, thậm chí là sai nguyên tắc về chức năng, trình tự thủ tục. Do vậy, yêu cầu đặt ra cần nâng cao hơn nữa vai trò của Tòa trong các vụ kiện liên quan đến NHNT nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chúng trong quá trình bênh vực và bảo vệ quyền lợi của mọi đối tượng.

Ngoài ra, từ ví dụ trên cũng đặt ra vấn đề là nếu như phán quyết của Tòa công nhận Interbrand là nhãn hiệu là nổi tiếng, thì kể từ thời điểm nào phán quyết về sự ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng đó có hiệu lực pháp lý, và nó có hiệu lực trong khoảng thời gian là bao lâu? Có trường hợp khi phán quyết của Tòa vừa công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng, nhưng ngay sau đó thì nhãn hiệu đó không còn nổi tiếng nữa thì xử lý như thế nào? Như vậy Luật cần phải xác định về thời điểm và dự trù được các trường hợp phát sinh trên thực tế để hoạt động xét xử của Tòa án được hiệu quả.

Một điểm nữa là pháp luật cũng cần quy định rõ về quy trình công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, trong trường hợp này là công nhận theo phán quyết của Tòa án. Nếu “Interbrand”, theo phán quyết của Tòa là nổi tiếng, thì bước tiếp theo Tòa cần làm gì để ghi nhận và bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng này? Chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng sẽ làm gì, Cục Sở hữu trí tuệ làm gì? Các cơ quan khác như thế nào? Thủ tục này có gì khác so với thủ tục công nhận của bên Cục Sở hữu trí tuệ? Cần quy định rõ trách nhiệm của Tòa án, và trình tự, quy trình ghi nhận sự nổi tiếng của nhãn hiệu. Bởi lẽ, so với các cơ quan hành chính, thì vai trò, nhiệm vụ về bảo vệ lợi ích cho các chủ thể  của Tòa án là đặc biệt quan trọng.

Một thực trạng nữa là hiện nay, có rất nhiều các chương trình, sự kiện lớn như: Chương trình khảo sát thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng trong năm 2013 cho 100 doanh nghiệp trong cả nước. Đây là chương trình uy tín do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo (Cơ quan Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp Doanh nhân Việt Nam, Vnpaco Media tổ chức. Chương trình Tư vấn, đánh giá và trao giấy chứng nhận nhãn hiệu cạnh tranh - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam... Các chương trình này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng, các doanh nghiệp và toàn thể xã hội. Đây cũng là những chương trình lớn,có uy tín, nội dung và tiêu chí đánh giá các thương hiệu, nhãn hiệu đều lấy các tiêu chí được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ làm nền tảng. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra đó là, cơ sở pháp lý nào quy định trình tự, thủ tục để các chương trình ghi nhận đó là những nhãn hiệu nổi tiếng? Thực tế thì chính Ban tổ chức các chương trình sẽ là những người quy định ra thể lệ, trình tự thủ tục ghi nhận và công bố những nhãn hiệu nổi tiếng này. Đây hoàn toàn là những chương trình mang tính chất tự công bố, và thiếu giá trị về mặt pháp lý.

  • TAG :