Các dịch vụ sở hữu trí tuệ BVL cung cấp










1. Khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ đăng ý kinh doanh (chuyển trụ sở) có phải làm thủ tục sửa đổi địa chỉ trên Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá không?

Chủ sở hữu của Văn bằng bảo hộ được xác định là Người có tên và địa chỉ trùng với tên và địa chỉ ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ. Do đó, về mặt  pháp luật, khi thay đổi địa chỉ quyền sở hữu đôí với Văn bằng bảo hộ không tự động dịch chuyển theo, chủ thể được ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ và chủ thể trên thực tế là hai chủ thể khác nhau. Vì vậy, khi doanh nghiệp thay đổi đia chỉ thì phải tiến hành ngay việc khi nhận thay đổi đó.
2. Khi doanh nghiệp thay đổi tên trên đăng ký kinh doanh, có cần thiết phải làm thủ tục ghi nhận việc sửa đổi tên trên Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá không?
Cũng  giống như thay đổi địa chỉ, doanh nghiệp phải làm thủ tục ghi nhận việc thay đổi tên. Việc thay đổi tên sẽ được ghi nhận ngay trên Văn bằng bảo hộ.
3. Đăng ký nhãn hiệu dưới dạng đen trắng và màu sắc khác nhau ở điểm gì?
Một nhãn hiệu hàng hoá được tạo bởi phần chữ và/hoặc phần hình và hoặc mầu sắc. Do đo, mầu sắc là một trong những yếu tố bảo hộ của nhãn hiệu, tức là khi đánh giá nhãn hiệu đó với các nhãn hiệu khác thì, ngoài phần hình và phần chữ, dấu hiệu mầu sắc sẽ được đem ra để so sánh, đánh giá.
Nhãn hiệu đen trắng, tức là không có yêu cầu bảo hộ màu sắc, khi đánh giá so sánh với nhãn hiệu khác thì chỉ so sánh, đánh giá dựa trên phần hình và/hoặc phần chữ mà thôi.
4. Vậy trường hợp nào thì đăng ký nhãn hiệu dưới dạng màu, trường hợp nào thì đăng ký dưới dạng đen trắng?
Việc đăng ký nhãn hiệu dưới dạng màu hoặc đen trắng hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách thức sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu. Nếu trên thực tế chủ sở hữu chỉ dùng một mầu đặc trưng nhất định (hoặc một số mầu đặc trưng), thì nên đăng ký nhãn hiệu dưới mầu sắc đó để tạo ra sự thống nhất trong nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm của nhà sản xuất. Việc thay đổi mầu sắc nhãn hiệu trong trường hợp này sẽ làm giảm khả năng nhận thức của khách hàng và gây khó khăn cho họ khi lựa chọn sản phẩm của nhà sản xuất trong số hàng loạt các sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất khác. Ví dụ, cứ nhìn thấy bao thuốc lá có màu đỏ đun là người tiêu dùng biết ngay đấy là bao thuốc lá mang nhãn hiệu Dunhill; hay đó là mầu vàng của bao thuốc là 555.
Ngược lại, nếu trên thực tế chủ sở hữu sử không sử dụng nhãn hiệu dưới dạng mầu hoặc sử dụng không nhất quán mầu sắc thì nên đăng ký nhãn hiệu dưới dạng đen trắng.
Vậy, cần lưu ý là trong cả hai trường hợp nêu trên việc đăng ký nhãn hiệu dưới dạng mầu hay đen trắng là căn cứ vào sự sử dụng của nhãn hiệu trên thực tế, hay nói cách khác là nhằm bảo đảm tính thống nhất trong khả năng nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm.
5. Có sự giới hạn nào không về sản phẩm/dịch vụ khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá?
Khối lượng, phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu phụ thuộc vào phạm vi danh mục sản phẩm/dịch vụ được ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, pháp luật về sở hữu công nghiệp của Việt Nam hiện nay quy định danh mục sản phẩm/dịch vụ nêu trong đơn yêu cầu bảo hộ của doanh nghiệp Việt Nam phải phù hợp với phạm vi ngành nghề kinh doanh được ghi nhận trong Giấy CNÐKKD. Nếu đơn được nộp không phù hợp với quy định này, thì sẽ được Cục Sở hữu công nghiệp yêu cầu sửa đổi. Ðiều này sẽ kéo dài thêm thời gian đăng ký của đơn. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý quy định này, nếu có ý định mở rộng ra cả các sản phẩm dự kiến kinh doanh/sản xuất sau này mà chưa được ghi nhận trong Giấy CNÐKKD thì ngay sau khi đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được nộp (để dành lấy quyền ưu tiên sớm) thì cần tiến hành bổ sung phạm vi ngành nghề kinh doanh cho phù hợp và sau đó bổ sung vào Cục sở hữu công nghiệp.
6. Có yêu cầu gì về mặt thiết kế đối với nhãn hiệu hàng hoá khi đăng ký bảo hộ?
Mẫu nhãn hiệu hàng hoá phải được thiết kế phù hợp với các tiêu chuẩn sau:

  • Không lớn hơn 8 x 8 cm mỗi chiều, tốt nhất là kích cỡ 7 x 7 cm;

  • Các đường nét, dấu hiệu trong nhãn hiệu phải được thể hiện một cách rõ ràng, nếu không, trong quá trình xét nghiệm đơn, Cục Sở hữu công nghiệp sẽ yêu cầu bổ sung mẫu nhãn rõ nét. Dĩ nhiên, việc sửa đổi sẽ kéo dài thêm thời hạn xét nghiệm của đơn.

  • Không nên đưa (tốt nhất là không đưa) các dấu hiệu mang tính mô tả chất lượng sản phẩm, tên địa danh ? Chỉ giữ lại trên nhãn hiệu những dấu hiệu đặc trưng.


7. Khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản thì việc xử lý nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ sẽ như thế nào?
Khi doanh nghiệp chuẩn bị giải thể hoặc phá sản thì cần tiến hành thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ của mình cho bên thứ ba nếu không hiệu lực bảo hộ cho nhãn hiệu hàng hoá đó sẽ chấm dứt. Cần lưu ý là thủ tục chuyển nhượng này phải được thực hiện trước khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, để đảm bảo trong mọi trường hợp cần sửa đổi, bổ sung thì doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện được.
8. Có thể đòi lại nhãn hiệu hàng hoá (đã được sử dụng từ trước nhưng chưa đăng ký) do người khác đăng ký không?
Pháp luật sở hữu công nghiệp Việt Nam có quy định cho chủ sở hữu đích thực đòi lại nhãn hiệu trong trường hợp nêu trên. Ðể thực hiện thủ tục này, chủ sở hữu đích thực phải chứng minh được mình là chủ sở hữu đích thực và đã sử dụng nhãn hiệu này trước, còn bên đăng ký đã không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó, nhưng cần phải lưu ý rằng khả năng thành công tuỳ thuộc vào tính thuyết phục của chứng cứ và thời gian theo đuổi vụ việc là khá lâu.
9. Trường hợp nào được ghi dấu hiệu TM, trường hợp nào ghi dấu hiệu ® trên góc trên phía bên phải nhãn hiệu hàng hoá?
Dấu hiệu TM là hai chữ cái viết tắt từ từ tiếng Anh “Trade Mark” có nghĩa là nhãn hiệu hàng hoá. Dấu hiệu này, được quốc tế quy ước chung là nhằm chỉ ra rằng dấu hiệu mà nó đi kèm là nhãn hiệu hàng hoá. Do đó, điều này có ý nghĩa trong quảng cáo và thương mại hoá hoá ở chỗ, một mặt công khai khẳng định tới người tiêu dùng về sự hiện diện của một nhãn hiệu hàng hoá (có mặt một sản phẩm/hoăc một dịch vụ mang nhãn hiệu đó trên thị trường), một mặt ngầm chỉ ra rằng đã là nhãn hiệu hàng hoá thì đương nhiên nó phải thuộc quyền sở hữu của một chủ sở hữu nhất định, các chủ thể khác không được sử dụng dấu hiệu đó nữa.
Dấu hiệu ® là chữ cái đầu của từ tiếng Anh “Registered” có nghĩa là đã đăng ký. Dấu hiệu này được quốc tế quy ước chung nhằm chỉ ra rằng dấu hiệu mà nó đi kèm là nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ (được cơ quan nhà có thẩm quyền cấp VBBH). Ý nghĩa của việc sử dụng dấu hiệu này là công khai khẳng định tính hợp pháp của nhãn hiệu hàng hoá, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng về chất lượng, giá cả, chế độ bảo hành, hậu mãi khi mua sản phẩm hoặc sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu đó, đồng thời dấu hiệu này có ý nghĩa về mặt luật pháp là nhằm thông báo tới tất cả các chủ thể khác không được sử dụng dấu hiệu này cho hàng hoá hoặc sản phẩm cùng loại của mình nếu không sẽ bị xử lý trước pháp luật.
Như vậy, từ hai dấu hiệu trên, cần lưu ý là chỉ được sử dụng dấu hiệu đó khi nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ. Trong trường hợp nhãn hiệu hàng hoá chưa được bảo hộ hoặc không được bảo hộ mà sử dụng dấu hiệu này, pháp luật Việt Nam quy định là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và sẽ bị xử phạt.
10. Nên đăng ký nhãn hiệu hàng hoá khi nào?
Pháp luật sở hữu công nghiệp Việt Nam dành quyền bảo hộ cho người nộp đơn sớm nhất trong số những người cùng nộp đơn cho cùng 1 nhãn hiệu. Ðiều đó có nghĩa là chỉ có đơn đăng ký được nộp cho Cục Sở hữu công nghiệp sớm nhất là được bảo hộ, còn các đơn nộp của các chủ thể khác cho cùng một nhãn hiệu hàng hoá sẽ bị từ chối bảo hộ.
Hơn nữa, để tránh hiện tượng bị “đánh cắp” nhãn hiệu, tốt nhất là nên đăng ký nhãn hiệu hàng hoá càng sớm càng tốt, ngay khi có ý định thương mại hoá sản phẩm/dịch vụ trên thị trường, không được đợi sau khi sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường rồi mới tiến hành đăng ký bảo hộ nhiều khi là đã muộn.
11. Thời gian để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá kéo dài trong bao lâu?
Theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp, toàn bộ thời gian cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá kể từ khi nộp đơn cho đến khi nhận được văn bằng bảo hộ là 12 tháng với điều kiện đơn không bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc bị từ chối. Trong đó, thời hạn xét nghiệm hình thức là 3 tháng và thời hạn xét nghiệm nội dung là 9 tháng.
Tuy nhiên, trên thực tế, thời hạn trên thường kéo dài khoảng từ 15 đến 17 tháng và sẽ kéo dài hơn nữa nếu đơn được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc bị từ chối.
12. Ðơn sẽ bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong những trường hợp nào?
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc đơn bị yêu cầu sửa đổi, hoặc bổ sung trong đó chủ yếu tập trung vào các lý do sau đây:

  • phân nhóm sai hoặc không rõ ràng;

  • danh mục sản phẩm không phù hợp với phạm vi đăng ký kinh doanh;

  • tên hoặc địa chỉ của người nộp đơn không thống nhất trong các tài liệu;

  • mô tả sản nhãn hiệu hàng hoá không đầy đủ;

  • mẫu nhãn hiệu hàng hoá không đúng kích thước được yêu cầu, hoặc không rõ ràng;

  • mẫu nhãn hiệu chứa đựng các dấu hiệu bị loại trừ theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp;

  • không đủ số lượng tài liệu theo quy định;

  • không đủ số lượng mẫu nhãn hiệu theo quy định;

  • các tài liệu được làm không đúng hoặc không có giá trị pháp lý.


13. Tại sao thời hạn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá lại kéo dài như vậy?
Ðể đảm bảo thủ tục cấp bằng bảo hộ được chính xác, đơn nhãn hiệu hàng hoá phải trải qua hai giai đoạn xét nghiệm đó là xét nghiệm hình thức của đơn và xét nghiệm nội dung.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền ưu tiên của người nước ngoài, pháp luật Việt Nam dành cho công dân, pháp nhân của nước ngoài thời hạn 6 tháng để nộp đơn nhãn hiệu vào Việt Nam, ví dụ ngày 01/01/2003 một đơn nhãn hiệu được nộp ở Anh, thì cho đến tận ngày 30/6/2003 chủ sở hữu đơn nộp tại Anh đó vẫn có quyền nộp đơn này tại Việt Nam và được coi như đã nộp tại Việt Nam vào ngày 01/01/2003. Do đó, để xét nghiệm nội dung của đơn, Việt Nam phải đợi hết 6 tháng ưu tiên này để cập nhật hết số lượng đơn ưu tiên từ nước ngoài mới có thể tiến hành xét nghiệm được. Ðây là nghĩa vụ mang tính quốc tế mà Việt Nam phải thi hành với tư cách là một thành viên của công ước quốc tế.
Một điểm nữa cũng có thể được coi là một lý do lý giải cho thời gian đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá đó là số lượng đơn nhãn hiệu hàng hoá ngày càng gia tăng.
14. Giá trị của Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ?
Cần lưu ý rõ rằng, “Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ” là kết quả xét nghiệm hình thức của đơn được Cục sở hữu công nghiệp cấp với ý nghĩa đơn nhãn hiệu hàng hoá đó đã đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức, tức là đơn được làm có đúng với các quy định của pháp luật về mặt hình thức của đơn hay không. Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoàn toàn khác với Thông báo kết quả xét nghiệm nội dung của đơn. Do đó, thông báo này không có ý nghĩa trong việc khẳng định đơn có được bảo hộ hay không?
Trên thực tế, Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ có thể được vận dụng trong một số trường  hợp theo yêu cầu của một số cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vấn đề có liên quan đến sở hữu công nghiệp.
15. Tính mới của kiểu dáng công nghiệp được hiểu như thế nào?
Theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp của Việt Nam, một kiểu dáng công nghiệp được coi là đáp ứng tiêu chuẩn “tính mới” nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt với tất cả kiểu dáng công nghiệp đã tồn tại từ trước, dưới bất kỳ dạng nào, ở tất cả các nước trên thế giới.  Do đó, nếu như bất kỳ ai chứng minh được rằng kiểu dáng công nghiệp xin bảo hộ đã có từ trước hoặc không “khác biệt cơ bản” (gần giống) với kiểu dáng công nghiệp đã có từ trước thì kiểu dáng công nghiệp đó sẽ bị từ chối bảo hộ hoặc bị huỷ bỏ khi đã được cấp bằng bảo hộ. Do đó, trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp cần kiểm tra, tìm hiểu thật kỹ tính mới của kiểu dáng công nghiệp dự định đăng ký.
16. Khi thiết kế kiểu dáng công nghiệp cần lưu ý điểm gì?
Như đã trình bầy ở trên, tính mới của kiểu dáng công nghiệp là điểm quan trọng bậc nhất khi thiết kế. Do vậy, khi thiết kế cần kiểm tra, tìm hiểu các KDCN tương tự đã có từ trước để đối chiếu.
Ngoài ra, để ngăn ngừa các tranh chấp có thể xảy ra, cần lưu ý thêm các điểm sau đây:

  • Nếu KDCN được tạo ra theo Hợp đồng thuê thiết kế thì trong Hợp đồng này cần quy định rõ quyền sở hữu KDCN sẽ thuộc về bên thuê, và bên được thuê cam kết không được thiết kế KDCN giống hoăc tương tự cho các chủ thể khác.

  • Nếu KDCN được một hoặc nhiều người trong cùng một đơn vị, thì cần có “Quyết định giao việc” của người đứng đầu đơn vị cho những người thiết kế đó, nhằm đảm bảo quyền sở hữu KDCN đương nhiên thuộc về pháp nhân.


17. Nên đăng ký kiểu dáng công nghiệp khi nào?
Cũng giống như nhãn hiệu hàng hoá, văn bằng bảo hộ độc quyền KDCN sẽ được cấp cho người nộp đơn KDCN sớm nhất trong số những người cùng nộp đơn đăng ký KDCN đó.
Hơn nữa, một KDCN sẽ không được bảo hộ, mặc dù khác biệt với tất cả các KDCN đã có từ trước, nếu KDCN đó đã được sử dụng trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ.
Do đó, để đảm bảo khả năng đăng ký bảo hộ KDCN, cần tiến hành đăng ký KDCN đó ngay khi thiết kế xong.
18. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá/kiểu dáng công nghiệp có được coi là tài sản thừa kế hay không?
Theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá/kiểu dáng công nghiệp được coi là một loại tài sản thừa kế.
19. Phạm vi hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá/kiểu dáng công nghiệp?
Mặc dù khi tiến hành xét nghiệm nội dung phải xét đến các nhãn hiệu hàng hoá của người nước ngoài nộp tại Việt Nam, nhưng hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá/kiểu dáng công nghiệp do Cục sở hữu công nghiệp Việt Nam cấp chỉ có giá trị trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà thôi.
Do đó, nếu chủ sở hữu muốn nhãn hiệu đó được bảo hộ tại thị trường nước nào thì phải tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ tại nước đó, thủ tục đăng ký được tiến hành theo quy định của pháp luật nước đó.

 
  • TAG :

Danh mục

Loading...

Bài nổi bật